Tiêu chuẩn tủ bếp – Những yêu cầu về thiết kế, kết cấu, vật liệu cho một căn bếp chất lượng

        Đưa ra những tiêu chuẩn về thiết kế và thi công tủ bếp là điều cần thiết khi trên thị trường hiện nay có quá nhiều cách làm khác nhau, cảm giác mập mờ khi đọc báo giá, cách thức thực hiện, vật tư sử dụng, độ dày ván ….làm người dùng bối rối, đôi khi khó chịu với cảm giác bị hớ khi nhận bàn giao sản phẩm.

        Không khó để bắt gặp những câu hỏi trên các hội nhóm về nội thất tủ bếp như ” Hậu tủ bếp làm alu có đúng không?” ” Đáy ngăn kéo làm 6mm hay bao nhiêu? “,….. Bài viết này chúng tôi sẽ tổng hợp toàn bộ những chi tiết cần chú ý, những lựa chọn tốt nhất cho căn bếp mà bạn cần khi lên kế hoạch làm tủ bếp và đưa ra yêu cầu cho đơn vị thi công. Bạn cũng nên yêu cầu ghi chú rõ ràng trong báo giá để tránh rắc rối sau này khi bàn giao tủ bếp đưa vào sử dụng.

01.

Tiêu chuẩn thiết kế tủ bếp.

Các mẫu tủ bếp dài, kết hợp trên dưới đụng trần đôi khi chỉ là những mẫu tủ bếp cơ bản sẽ không đáp ứng được những yêu cầu của một căn bếp hiện đại, tối giản. Bạn sẽ dễ nhận thấy trong những căn bếp đó, hầu như các vật dụng như: xoong nồi, bình đun nước, nồi cơm điện, nồi chiên không dầu …. đều được trưng hết trên mặt bàn bếp tạo cảm giác lộn xộn khó chịu.

Do đó, một căn bếp tiêu chuẩn cần được thiết kế có chiều dài phù hợp, không nhất thiết phải quá dài. Nên ưu tiên những thiết kế có tủ đồ khô, bàn đảo và các thiết kế thông minh có khả năng lưu trữ lớn giúp người dùng ẩn đi những thứ không cần phải trưng ra như nồi cơm điện, bình đun nước, máy pha cafe …..

Với tủ bếp góc bạn cũng có thể tận dụng các góc khuất để bố trí các thiết bị bếp mà bên ngoài nhìn vào sẽ không thấy được.

Thiết kế tủ bếp tiêu chuẩn cần có vị trí máy rửa bát được bố trí ngay cạnh chậu rửa, trong trường hợp chưa có máy rửa bát cũng nên có vị trí chờ sẵn này để khi có điều kiện lắp MRB sẽ không cần phá dỡ quá nhiều. Sẽ cực kỳ bất tiện nếu bạn bố trí máy rửa bát xa chậu rửa. Bạn cũng nên chú ý đến vị trí bố trí MRB bên trái hay bên phải chậu rửa, nó phụ thuộc vào thói quen người sử dụng.

Chiều cao tủ bếp tốt nhất từ 850mm đến 900mm, với chiều cao này bạn có thể thao tác bếp mà không sợ mỏi lưng, chiều cao này cũng phù hợp với đại đa số các loại máy rửa chén phổ biến trên thị trường hiện nay.

Tủ bếp nên thiết kế sử dụng tối đa các phụ kiện lưu trữ cần thiết, tránh trường hợp để các vật dụng trực tiếp lên bề mặt ván phủ melamine thùng tủ, lâu dài có thể làm hỏng tủ.

Làm tủ bếp kịch trần chưa chắc đã là lựa chọn tốt nhất cho căn bếp nếu bạn có diện tích phòng bếp đủ rộng, các ngăn tủ treo chưa bao giờ là giải pháp lưu trữ tối ưu, thay vào đó hãy suy nghĩ về tủ đồ khô, đảo bếp và các thiết kế riêng mang dấu ấn cá nhân.

Một đảo bếp có kích thước vừa phải cũng đủ cung cấp cho gia đình bạn rất nhiều không gian lưu trữ, dễ lấy, gọn gàng. Một Đảo bếp lớn, kèm đèn thả luôn là sự lựa chọn tuyệt vời, nó cũng là điểm nhấn cho một căn bếp mở hiện đại.

Màu sắc tủ bếp cũng cần được chú ý, ví dụ thùng tủ màu gì thì hậu tủ nên màu đó, bề mặt ván màu gỗ thì dây dán cạnh cũng màu gỗ. Trừ một vài trường hợp được thiết kế chọn màu tạo điểm nhấn tạo sự sang trọng hơn.

Tủ ẩn cánh, thiết kế để giấu đi các dụng cụ nhà bếp khi không sử dụng, các ngăn kéo cung cấp khả năng lưu trữ tuyệt vời.

Tủ bếp góc có tủ đồ khô, tận dụng góc khuất để bố trí các thiết bị nhà bếp mà bên ngoài nhìn vào khó thấy.

Đảo bếp cung cấp khả năng lưu trữ lớn, bàn soạn đồ có diện tích lớn và là điểm nhấn cho cả căn bếp.

Hậu màu trắng, hông tủ picomat màu ngà, bên cạnh màu xám… Có quá nhiều màu như chắp vá cho một modul

Ván nhựa trắng ngà nhưng dùng dây màu gỗ kiểu tận dụng vật tư, phối màu cũng không được đẹp.

Một mẫu ngăn kéo yêu thích, cách phối màu trang nhã, sang trọng.

02.

Kết cấu tiêu chuẩn dành cho tủ bếp.

Kết cấu tủ bếp sẽ quyết định đến độ vững chắc của căn bếp và số lượng vật tư sử dụng. Sẽ có nhiều cách làm khác nhau nhưng tốt nhất là thiết kế tủ bếp theo module. Có nghĩa là, mỗi khoang tủ sẽ là một module khác nhau, không ghép 2 -3 khoang tủ vào một ( đặt biệt nếu bếp sử dụng ván nhựa WPB, PVC). Trường hợp làm kết hợp 1 modul 2 khoang tủ vẫn ổn ( kiểu 1 khoang lớn thì kết hợp một khoang nhỏ bên cạnh ). Thật ra cách làm này không giúp bạn tiết kiệm thêm ván, mà dư gỗ vụn trong quá trình xếp file CNC ( cũng tùy trường hợp, nhưng nên chọn phương án tốt nhất )

Vì các modul đều độc lập nên hậu tủ bếp dưới có thể làm bằng Alu 3mm đồng màu để chống ẩm. Nếu có điều kiện bạn có thể yêu cầu sử dụng ván 9mm ( tất nhiên là ván nhựa chống nước)  mức chênh lệch của Alu và ván nhựa vào khoảng 500.000đ/ tấm

Với tủ bếp trên hậu tủ nên làm ván dày 17mm để đảm bảo khi treo tường không bị bung vít, lỏng lẻo.

Tủ đồ khô, tủ rượu sử dụng ván 17mm hoặc 25mm, hậu tủ 9mm tiêu chuẩn.

Đáy ngăn kéo tiêu chuẩn 9mm không nên dùng loại mỏng tránh bị võng khi để vật nặng.

Dưới mặt đá bếp nên lót tấm Smartboard đỡ mặt đá, độ dày cơ bản 6mm hoặc 9mm.

Yêu cầu dán cạnh toàn bộ để đảm bảo chất lượng tủ bếp

03.

Sử dụng vật liệu

Có quá nhiều vật liệu để làm tủ bếp hiện nay, nhưng trong mức giá phù hợp thì ván công nghiệp, ván nhựa WPB, alu, Acrylic, Laminate, cánh kính vẫn là những sự lựa chọn tốt nhất và đảm bảo cho một căn bếp chất lượng. Với các loại vật liệu trên bạn có thể có nhiều kiểu kết hợp khác nhau và sử dụng bề mặt từ nhiều nhà cung cấp uy tín khác nhau để cho ra một căn bếp đẹp. Ví dụ:

  • Thùng tủ bếp dưới sử dụng nhựa WPB, PVC, cánh tủ Acrylic
  • Tủ đồ khô dùng mdf chống ẩm, cánh Laminate ( Hiệu ứng lạ ), kết hợp cánh kính
  • Tủ bếp trên sử dụng Mdf chống ẩm, cánh kính, cánh Acrylic…

Có quá nhiều sự kết hợp mà bạn có thể nghĩ đến với vài cuốn catalogue ván trước mặt. Các thương hiệu ván bạn có thể quan tâm như : An Cường, Minh Long, Mộc Phát, ACC……

Tủ bếp dưới, chỉ khoang chậu rửa sử dụng ván nhựa để tiết kiệm sẽ không đảm bảo khả năng chống nước cho toàn bộ tủ dưới bao gồm các khoang để chén bát, xoong nồi, nơi tiếp xúc hơi ẩm thường xuyên. Tốt nhất nên sử dụng ván nhựa đặc cao cấp 100% tủ bếp dưới, nhựa WPB phủ melamine ( nhiều màu sắc hơn loại trắng, trắng ngà, hoặc loại nhựa có lớp phủ dày ), hậu tủ dưới sử dụng Alu đồng màu.

Có một chi tiết ít được quan tâm đó là thanh len chân dưới tủ bếp, thường thì vị trí này sẽ tiếp xúc nước thường xuyên nhất khi chúng ta lau nhà, đôi khi là nước bắn xuống dưới. Nên các len chân tủ bếp cũng cần được làm bằng nhựa chống nước để đảm bảo chất lượng và độ bền tốt nhất.