Cách kiểm tra chất lượng nội thất gỗ công nghiệp

Hướng dẫn cách kiểm tra chất lượng nội thất được thi công bằng gỗ công nghiệp từ đầu đến lắp đặt hoàn thiện dễ hiểu nhất.

Nội thất gỗ công nghiệp dẫn trở nên phổ biến và được nhiều người lựa chọn nhằm hoàn thiện không gian sống cho gia đình, nhưng không phải ai cũng am hiểu về nội thất gỗ công nghiệp để kiểm tra và đưa ra những quyết định tốt nhất. No.1 Concept xin chia sẽ một số kinh nghiệm thực tế giúp bạn có thể kiểm tra và nghiệm thu một số sản phẩm nội thất đơn giản:

Gỗ công nghiệp chống ẩm:

  • Màu sắc, chủng loại: Ván Mdf chống ẩm thường có cốt xanh hoặc đen (Cdf,Hdf) nên bạn có thể dễ dang nhận biết ngay khi nhìn thấy. Mỗi đơn vị cung cấp đều có cách nhuộm màu khác nhau nên trên thị trường hiện nay có rất nhiều kiểu màu như xanh nhạt, xanh đậm, xám, đen ….. màu sắc chỉ là bước kiểm tra ban đầu để kiểm tra chất lượng ván. Ván Thái Lan trước đây mình có cơ hội kiểm tra nhập nguyên cont thường có màu xanh nhạt dễ nhìn, không quá đậm màu như các đơn vị trong nước… ( Nếu bạn bắt gắp các sản phẩm gỗ công nghiệp tại các cửa hàng có cốt màu xám đi kèm giá rẻ thì tự hiểu chất lượng nhé ). Ván An Cường thì bên cạnh ván thường in mã màu sắc nét nên bạn có thể nhận biệt ngay khi nhìn thấy.
  • Độ nén, cân nặng: sau khi nhận biết màu sắc tiếp theo bạn có thể kiểm tra chất lượng ván bằng cách cân trọng lượng ván để biết được độ nén các loại ván Mdf, Hdf, Cdf 9mm, 12mm, 17mm…. Ván chất lượng tốt thường có trọng lượng lớn do được nén cao. Bạn có thể kiểm tra tay bằng cách dùng móng tay cạy các mép rìa tấm ván chưa dán cạnh để xem có bị bóc ra dễ dàng không, thông thường ván chống ẩm chất lượng tốt thường cạy rất khó mẻ cạnh hoặc bị mẻ nhỏ không bị bóc cả mảng lớn. Một yếu tố nữa có thể nhanh chóng nhận biết ván mdf có chất lượng tốt hay không là nhìn vào các cạnh tấm ván nguyên khổ, đường cắt cạnh ván tốt có độ nén cao thường mịn hơn ( một vài nhà cung cấp thường nói độ mịn này do lưỡi cưa… nhưng mình không chăc lắm, bạn cứ lấy móng tay cạy chỗ cạnh đó là biết ngay),

Bề mặt chống trầy:

  • Ván công nghiệp được sử dụng phổ biến hiện nay để thi công nội thất là Mdf, Hdf phủ Melamine, Laminate, Acrylic .. toàn bộ các loại bề mặt này đề có thể bị trầy nếu có tác động đủ mạnh. Nên tuỳ vào vị trí sử dụng có thể linh hoạt sử dụng các loại bề mặt này…
  • Ván Melamine là loại bề mặt dễ trầy xước nhất theo mình biết, nên loại ván này thường được dùng làm thùng tủ, hậu, vách ốp…
  • Ván Laminate: bề mặt này tốt hơn melamine và dày hơn, khó trầy xước hơn, giá thành cũng cao hơn, có nhiều mẫu laminete giá cao gấp đôi ván melamine thông thường cùng quy cách. Ván laminate thường ứng dụng làm cánh tủ hoặc bề mặt bị tiếp xúc cọ sát nhiều.
  • Acrylic: bề mặt bóng gương được rất nhiều gia đình lựa chọn làm cánh tủ, mặt thọa…

Những thông tin cơ bản ở trên chỉ là bước đầu để bạn kiểm tra và giám sát chất lượng khi làm nội thất cho gia đình, cách tốt nhất là kiểm tra ván tại xưởng nội thất trước khi bắt đầu sản xuất. Tiếp theo là những vấn đề mà bạn nên quan tâm khi kiểm tra chất lượng nội thất gỗ công nghiệp khi sản xuất và thi công lắp đặt như: chất lượng đường cắt ván, dán cạnh, lắp ráp, lắp đặt .

    01.

    Kiểm tra chất lượng các cạnh, mép gỗ, dây dán cạnh

    Các cạnh và mép gỗ công nghiệp như Mdf phủ Melamine, laminate… hoàn thiện chuẩn thì không được mẻ cạnh, bề mặt melamine, laminate không bị trầy xước, các cạnh không bị mẻ kiểu đường răng cưa…
    Dây dán cạnh sau khi hoàn thiện có bo cạnh nhẹ và đồng đều, bạn có thể lấy tay vuốt nhẹ theo cạnh góc dây dán cạnh để cảm nhận chất lượng và độ hoàn thiện chi tiết. Rất nhiều xưởng dán cạnh thủ công, hoặc sử dụng máy móc cũ sau đó dùng dao cạo và máy đánh bóng để hoàn thiện các cạnh nên chất lượng cạnh dán không đồng đều, đôi khi lồi lõm, mài khuyết vào ván rất xấu. Trường hợp dán cạnh để lộ hoặc hở cốt ván xanh thì sau một thời gian sử dụng nếu gặp không khí ẩm vị trí đó sẽ bị nổi mốc rất khó chịu. Nếu xui hơn, gặp thợ ẩu bạn có thể nhìn thấy các đường dao gọt cạnh, nếu dùng tay vuốt để kiểm tra có thể đứt tay…

    02.

    Kiểm tra các mặt khuất, mặt hậu 

    Cần kiểm tra mặt hậu và các mặt khuất trước khi lắp đặt để tránh các lỗi chi tiết bị bỏ quên. Nên thống nhất ngay từ đầu khi lên bản vẽ để không tốn thời gian cả 2 bên khi triển khai nội thất vì nó ảnh hưởng khá nhiều đến giá thành cũng như chất lượng sản phẩm khi sử dụng. Chỉ cần thay đổi một chút vật liệu từ ván mdf 2 mặt melamine sang 1 mặt melamine hoặc thay đổi độ dày ván từ 18mm xuống 9mm thì giá thành cũng như chất lượng đã thay đổi rất nhiều. Các mặt khuất sau tường ở cách vách ốp đầu giường, vách ốp trang trí đều cần được sơn chống ẩm hoặc phủ melamine để tránh bị ẩm mốc từ tường nhà sang. Các xương gỗ gia cố gỗ công nghiệp bạn cũng nên yêu cầu đơn vị thi công sơn chống ẩm hoặc lót PU để bảo vệ ( có thể sử dụng các loại sơn tạp, lót tạp không nhất thiết phải dùng sơn chất lượng cao…) Rất nhiều trường hợp tường nhà bị ẩm thấm nước dần vào các thanh gỗ liên kết giữ nước và thấm sang cả tấm gỗ công nghiệp bề mặt gây ẩm mốc và mùi khó chịu. Mặt hậu tủ áo hay các tủ trang trí nên sử dụng ván có độ dày từ 9mm phủ melamine cả mặt sau, tuyệt đối không sử dụng ván 3mm hoặc 5,5mm vì có thể sau một thời giam sử dụng ván có thể bị hút ẩm hoặc cong vênh lượn sóng nhìn rất mất thẫm mỹ. Riêng hậu tủ bếp bạn nên yêu cầu gia cố thêm tấm alu 3mm ở mặt sát tường để chống ẩm tốt hơn.Đối với tủ treo phần hậu nên sử dụng ván 18mm để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Nếu được bạn nên yêu cầu đơn vị thi công dán cạnh toàn bộ các mặt cạnh ván mdf kể cả phần hậu để chống mốc vì thông thường các cạnh mặt hậu sau tường, cạnh dưới sàn mặt khuất thường không dán cạnh để tiết kiệm chi phí, sau một thời gian sử dụng chắc chắc các cạnh hở cốt xanh sẽ bị mốc trắng nhìn rất bẩn, có thể ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong khu vực sử dụng.

    03.

    Kiểm tra mức độ hoàn thiện

    Là khâu kiểm tra quan trọng trước khi nhận bàn giao sản phẩm nội thất sử dụng.

    • Kiểm tra các liên kết, bắn vít, vị trí ốc cam có bị lộ không, các đơn vị thi công nhiều kinh nghiệm thường dấu hết vị trí có ốc cam hoặc vít để tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm nội thất.
    • Kiểm tra vị trí bắn đinh và yêu cầu dặm và trít màu phù hợp toàn bộ các lỗ đinh để tăng tính thẩm mỹ.
    • Kiểm tra độ phẳng các vách ốp.

    04.

    Kiểm tra phụ kiện khi bàn giao sử dụng

    Kiểm tra và dùng thử toàn bộ các phụ kiện đã lắp ráp để phát hiện lỗi và chỉnh sửa phù hợp. Các loại ray, lề cần hoạt động trơn tru, không bị rít…. Khi lắp đặt nội thất bạn nên sử dụng các loại phụ kiện có chất lượng tốt, có thương hiệu để đảm bảo độ bền khi sử dụng lâu dài.